Thứ năm, ngày 21/11/2024

Trung tâm Thông tin- Tư liệu tổ chức Hội thảo và Triển lãm sách

Đào Hữu Hảo, ngày: 22/04/2015

Sáng ngày 21/4, Trung tâm Thông tin- Tư liệu phối hợp với Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ tổ chức Hội thảo và Triển lãm sách, nhằm hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21/4), hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (20/5/1975-20/5/2015).

Trung tâm Thông tin- Tư liệu tổ chức Hội thảo và Triển lãm sách , Trung tâm thông tin - Tư liệu

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Tư liệu; GS. Chu Hảo, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ;  GS.Đái Duy Ban, nguyên Giám đốc Hóa sinh ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam); GS. Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý…cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm.

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Quang phát biểu: “Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa không chỉ đối với các tác giả viết sách là các nhà khoa học, đối với nhà xuất bản, in và phát hành sách của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ nói riêng, mà còn đối với các học viên cao học, nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu và cộng đồng độc giả nói chung trong việc  khuyến khích và phát triển văn hóa đọc để nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như phát triển tư duy, bồi đắp tri thức”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quang phát biểu tại Hội thảo và Triển lãm sách.

Có mặt tại Hội thảo, GS.Chu Hảo đã làm “nóng” cả hội trường bằng những chia sẻ rất sâu sắc về văn hóa đọc. Ông nói: “Cuộc đời có rất nhiều nỗi đam mê. Có nỗi đam mê dẫn ta đến thân bại danh liệt, có nỗi đam mê làm ta cao sang. Riêng niềm đam mê đọc sách luôn làm cho con người trở nên tử tế hơn và sáng suốt hơn, nó không bao giờ phản bội ta!”.
Với góc nhìn có tính lịch sử, GS.Chu Hảo đã cắt nghĩa được vì sao văn hóa đọc của người Việt Nam lại rơi vào tình trạng chao đảo như hiện nay. Theo ông, có những lí do sau: Từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, chúng ta bắt đầu dùng chữ quốc ngữ, dễ đọc và cũng dễ viết. Nhưng cho đến Cách mạng tháng 8 năm 1945 thì hơn 90% dân ta vẫn mù chữ. Một dân tộc như vậy không thể là một dân tộc ham đọc sách. May thay từ năm 1945 nước ta đã mở ra một thời đại mới : cùng với việc giành được độc lập dân tộc, “Diệt giặc dốt” đã được đặt ngang hàng với “Diệt giặc đói”. Chỉ vài năm sau, dân ta đa số đã biết đọc, biết viết. Lẽ ra thì văn hóa đọc của chúng ta đã nhanh chóng phát triển từ đây!”.
Không may thay, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để bảo vệ Tổ quốc đã kéo dài hơn 30 năm làm cho việc làm ra sách và đọc sách gặp muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh này, không thể gây dựng được một phong trào đọc sách của toàn dân!
Trong bối cảnh nhiều sự lựa chọn việc tiếp cận thông tin như hiện nay, thì văn hóa đọc đang tụt dốc. Những đối tượng cần phải đọc sách như học sinh, sinh viên, nhà quản lý thì họ lại…rất ít đọc sách.

GS. Chu Hảo đã có những chia sẻ thú vị tại Hội thảo.

Với mong muốn vực dậy văn hóa đọc cho cộng đồng, GS.Chu Hảo đã đề cập đến cách thức quảng bá sách hay của một số tổ chức xã hội; phương pháp tiếp cận sách ở nhà trường và gia đình cho học sinh, sinh viên; cần xây dựng một đội ngũ viết sách đủ tài năng và thiện tâm để lao động trong một môi trường tự do sáng tạo.

Lĩnh hội từ những ý kiến xác đáng của GS.Chu Hảo, TS. Uông Đình Khanh (Viện Địa lý) chia sẻ thêm “Để viết được một cuốn sách hay thì người viết cần có những trăn trở, suy nghĩ về nội dung mà mình theo đuổi. Quá trình viết một cuốn sách cũng đồng nghĩa với việc dành tâm huyết truyền bá tri thức đến với độc giả”.

TS. Uông Đình Khanh đã chia sẻ quá trình cùng với thầy Lê Đức An viết cuốn sách Địa mạo Việt Nam: Cấu trúc- Tài nguyên- Môi trường/ 
Lê Đức An (chủ biên); Uông Đình Khanh.

Hội thảo cũng đã lắng nghe GS. Đái Duy Ban, nguyên Giám đốc Trung tâm hóa sinh ứng dụng (VAST) nói về công việc viết sách khoa học. GS. Đái Duy Ban đã được Giám đốc Trung tâm Thông tin- Tư liệu trao Bản ghi nhận về những đóng góp về sách của ông cho thư viện của Viện Hàn lâm.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quang trao Bản ghi nhận những đóng góp về sách cho GS. Đái Duy Ban.

Đánh giá những bước tiến về chất lượng xuất bản sách khoa học, ông Trần Văn Sắc, Giám đốc NXB Khoa học tự nhiên & Công nghệ, nói: “Được Viện Hàn lâm giao quản lý, xuất bản 11 Tạp chí quốc gia, với hơn 300 giáo sư đầu ngành tham gia biên tập, mỗi năm NXB xuất bản hơn 100 đầu sách các loại, chủ yếu về khoa học tự nhiên và công nghệ, trong đó có nhiều ấn phẩm được đánh giá là hay. Tham gia Giải thưởng sách Việt Nam hàng năm, một số bộ sách đã đạt được một số giải thưởng như giải vàng, bạc, đồng, khuyến khích”.

Ông Trần Văn Sắc giới thiệu về những ấn phẩm của NXB Khoa học tự nhiên & Công nghệ.

Hội thảo kết thúc vào buổi sáng cùng ngày, nhưng Triển lãm sách kéo dài đến hết ngày 22/4/2015.

Tham quan gian sách về khoa học, công nghệ.