10 đột phá công nghệ năm 2016 (phần II)
admin, ngày: 16/09/2016
Đây là những đột phá công nghệ được tờ MIT Technology Review bình chọn cho năm 2016.
Gigafactory của SolarCity
Thời điểm áp dụng: 2017
Nhà máy Gigafactory của công ty SolarCity trị giá 750 triệu USD ở Buffalo mỗi ngày sẽ sản xuất 10.000 tấm pin mặt trời hiệu suất cao – tương đương với một gigawatt (một triệu kilowatt) điện mặt trời/năm khiến cho công nghệ này trở nên vô cùng hấp dẫn với các hộ gia đình. Đây sẽ là nhà máy sản xuất pin mặt trời lớn nhất ở Bắc Mỹ và một trong những nhà máy lớn nhất trên thế giới. Họ đã giảm chi phí cho mỗi watt điện bằng pin mặt trời từ 4,73 USD/ năm 2012 xuống 2,84 USD và sẽ là dưới 2,50USD vào cuối năm 2017.
Xuất phát từ nghiên cứu tiên phong về năng lượng mặt trời của Martin Green vào cuối những năm 1970, SolarCity tự tin về công nghệ cho phép họ chế tạo những tấm pin có hiệu suất rất cao trong việc biến quang năng thành điện năng. Các tấm pin mới này kết hợp giữa pin mặt trời tinh thể silic thông thường với pin năng lượng màng mỏng và một lớp oxit bán dẫn. Tháng 10 năm ngoái, SolarCity tuyên bố rằng tấm pin chế tạo thử nghiệm tại một nhà xưởng nhỏ ở Fremont, California đã đạt hiệu suất hơn 22% trong khi pin mặt trời silic chỉ có hiệu suất từ 16-18%. Đối thủ của SolarCity là SunPower đã từng dẫn đầu thị trường với tấm pin đạt hiệu suất 21,5%.
Hiệu suất rất quan trọng bởi tấm pin mặt trời chiếm 15-20% giá thành của toàn bộ hệ thống phát điện. Phần còn lại chủ yếu đến từ chi phí cân-đối-hệ-thống: các bộ đổi nguồn inverter để hòa vào lưới điện, vỏ bảo vệ các tấm pin, bộ khung giá đỡ gắn vào mái nhà, nhân công lắp đặt… SolarCity cho biết, hệ thống của họ sẽ giảm bớt 1/3 số lượng tấm pin mặt trời so với các hệ thống hiện tại.
Hệ thống thông tin văn phòng Slack
Hệ thống gửi tin nhắn nội bộ với tên gọi Slack thường được mô tả là phần mềm văn phòng có số người dùng tăng trưởng nhanh nhất từ trước đến giờ. Số người dùng hằng ngày đã vượt qua con số 2 triệu chỉ trong vòng chưa đầy ba năm kể từ khi nó ra mắt vào năm 2013.
Slack đưa cho bạn một khu vực tập trung để giao tiếp với đồng nghiệp thông qua tin nhắn và chat-room, giúp bạn giảm thiểu thời gian làm việc qua email. Bất kể là bạn đang dùng các thiết bị di động hay máy tính để bàn, bạn có thể tải file lên, nhận và sửa thông tin trên các bảng biểu hoặc các ứng dụng công việc khác và dễ dàng tìm kiếm từ các cuộc hội thoại trước.
Mặc dù đã có nhiều ứng dụng có các chức năng như Slack ra đời trước đó nhưng chúng đều thất bại trong việc tạo ra sự hứng thú đến như vậy với người dùng. Điều gì khiến Slack phổ biến? Nguyên do sự thành công nằm ở việc Slack là một phần của những xu hướng lớn: ngày càng nhiều người làm việc trên các thiết bị di động, vả lại, không phải lúc nào những người cần trao đổi cũng ở cùng nhau trong một văn phòng. Nhưng từng chi tiết cụ thể trong thiết kế của Slack cũng rất quan trọng. Gerald C. Kane, phó giáo sư hệ thống thông tin ở Trường Quản trị Carroll, Đại học Boston chỉ ra rằng, Slack sắp xếp tin nhắn theo các luồng để mọi người làm việc cùng nhau đều có thể thấy. Nó “cho phép bạn “nghe thấy” những gì đang diễn ra trong một tổ chức,[…] một kiểu nắm bắt các hoạt động chung quanh mà bạn không có được khi dùng email” – ông nói.
Xe hơi tự lái Tesla
Vào tháng 10 năm 2014, công ty chế tạo xe hơi điện của Elon Musk tung ra thị trường những chiếc xe sedan với cả tá cảm biến siêu âm được đặt ngầm quanh xe. Nếu trả thêm 4.250 USD, khách hàng của Tesla có thể nâng cấp thêm một “gói công nghệ” sử dụng cảm biến, camera, radar phía trước và các bộ phanh điều khiển số giúp tránh những vụ va chạm – thực sự cho phép chiếc xe điều khiển việc lái và dừng xe trước khi tai nạn. Một năm sau, vào tháng 10 năm 2015, công ty này gửi phần mềm cập nhật cho 60.000 chiếc xe gắn đầy cảm biến đã bán. Tên chính thức của phần mềm này là Tesla 7.0 nhưng biệt danh Tự lái (Autopilot) mới được nhắc đến nhiều nhất.
Những gì nó cung cấp cho các lái xe tương tự như những gì các phi công sử dụng trên máy bay. Chiếc xe có thể tự điều chỉnh tốc độ, tự quay vô lăng để đi đúng làn, chuyển làn và tự đỗ xe. Một số chức năng này cũng đã được đưa ra bởi một số hãng xe hơi khác (bao gồm Mercedes, BMW, General Motors) nhưng chức năng tự quay vô lăng, thông qua một phần mềm cập nhật đã tạo ra bước nhảy vọt hướng tới tự lái hoàn toàn chỉ sau một đêm.
Tuy nhiên, chiếc xe không tự kích hoạt chức năng tự lái, nó cần một số điều kiện (chủ yếu là tình trạng giao thông tốt) trước khi bạn có thể tận hưởng nó. Các điều kiện bao gồm làn đường tương đối thoáng, xe có thể đi với tốc độ ổn định, các xe chạy xung quanh, và bản đồ khu vực. Với cách tiếp cận từng bước như vậy, Tesla đã bỏ xa Google và các công ty khác mới đang dừng lại ở những thử nghiệm nhỏ để thu thập dữ liệu với hi vọng một ngày nào đó tạo ra những chiếc xe tự lái. Trong khi đó, với Tesla, khách hàng và những chiếc xe bán tự động đóng góp trực tiếp vào các thử nghiệm và họ chỉ cần cập nhật phần mềm là đủ để tạo ra một chiếc xe tự lái.
Năng lượng từ không khí
Thời điểm áp dụng: 2 – 3 năm tới
Các thiết bị internet được cung cấp năng lượng từ sóng Wifi và các tín hiệu vô tuyến khác sẽ giúp những máy tính nhỏ và các cảm biến ngày càng phổ biến.
Ngay cả những thiết bị kết nối internet nhỏ nhất cũng cần pin hoặc nguồn điện. Nhưng điều đó sẽ không đúng trong tương lai. Công nghệ cho phép các thiết bị hoạt động và giao tiếp với nhau chỉ nhờ năng lượng thu thập từ các tín hiệu TV, radio, điện thoại di động và Wifi xung quanh đang trên đường thương mại hóa. Các nhà khoa học tại Đại học Washington đã phát triển một kỹ thuật cho phép các cảm biến chuyển động, cảm biến nhiệt độ và thậm chí cả camera kết nối internet được cung cấp năng lượng theo cách này.
Shyamnath Gollakota và đồng nghiệp Joshua Smith đã chứng minh được rằng những sóng radio yếu có thể cung cấp đủ năng lượng cho các thiết bị internet dựa trên nguyên lý tán xạ ngược. Thay vì phát ra các tín hiệu thông thường, thiết bị của họ phản xạ lại có chọn lọc các sóng radio chiếu đến để tạo ra một tín hiệu mới. Một thiết bị sử dụng kỹ thuật này sẽ thu năng lượng từ các sóng này để lấy điện hoạt động.
Nguồn tiasang.com.vn
Các tin cùng chuyên mục
Giải IgNobel 2016 (29/09/2016)
Thế chấp quyền sở hữu trí tuệ, cần điều kiện... (28/09/2016)
Giới thiệu và hướng dẫn tham gia Chương trình phát... (21/09/2016)
Lộ trình công nghệ và những bước đi đầu tiên... (20/09/2016)
Siết chặt thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi gia... (19/09/2016)
Bảo tàng Công nghệ vũ trụ Việt Nam mở cửa vào... (12/09/2016)
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tiếp... (12/09/2016)
Cần có chính sách phát triển sở hữu trí tuệ tốt (07/09/2016)
Nghiên cứu ảnh hưởng của giọt noãn bào chất đơn... (07/09/2016)
Tạo ra miếng bọt biển có thể đun sôi nước (06/09/2016)