Thứ năm, ngày 21/11/2024

Siết chặt thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi gia nhập TPP

admin, ngày: 19/09/2016

Quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với quyền tác giả và quyền liên quan đến môi trường số sẽ được siết chặt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP.

Siết chặt thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi gia nhập TPP , Trung tâm thông tin - Tư liệu

Hôm nay, 16/9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Tập huấn Hội nhập quốc tế về kinh tế trong lĩnh vực TT&TT tại Hà Nội. Những quy định trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nội dung chính được phổ biến tại buổi tập huấn.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh: đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có nhiều nước tham gia nhất, đa dạng về trình độ phát triển.

Theo ông Khanh, sở hữu trí tuệ là nội dung khó đàm phán nhất trong TPP. Đây là nội dung có phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). "Nâng cao mức độ và kéo dài bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan; siết chặt thực thi (bảo vệ) quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường số (trách nhiệm của ISP)...", ông Khanh nói.

“Ta đã đồng ý sửa đổi một số văn bản pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Hình sự để cho phép xử lý hình sự một số hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm một số hình thức mới như câu trộm cáp truyền hình”, ông Ngô Chung Khanh cho biết.

Toàn cảnh buổi Hội nghị tập huấn.

Còn theo bà Trần Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT), sở hữu trí tuệ vốn phức tạp vì phạm vi rất rộng. Bà Hà cho biết, chỉ lĩnh vực TT&TT thì đã có rất nhiều nội dung cần đàm phán và cam kết: từ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử và báo chí, xuất bản.

Tại hội nghị, bà Hà đã trình bày một số nội dung được bảo lưu khi đàm phán. Theo bà Hà, nội dung báo chí, xuất bản được phía Việt Nam giữ bảo lưu gần như hoàn toàn; một số vấn đề trong nội dung viễn thông sẽ bảo lưu và hoàn tất không chậm hơn năm 2020. Bà Hà cũng nhấn mạnh các tôt chức, doanh nghiệp cần theo dõi tiến trình cam kết của những nội dung này để điều chỉnh theo cho phù hợp.

Bà Trần Thanh Hà cũng lưu ý đặc biệt ở nội dung thương mại điện tử, vì đây là khái niệm sản phẩm số có thể nói là lần đầu tiên được quy định cụ thể trong TPP, mà trong nhiều diễn đàn chưa thống nhất được. Theo bà Hà, thuế hải quan không áp dụng đối với các giao dịch thương mại điện tử không biên giới, bao gồm cả các nội dung trao đổi.

"TPP sẽ không phân biệt đối xử đối với các sản phẩm số, sẽ áp dụng điều này nếu có mâu thuẫn với điều khoản về sở hữu trí tuệ", bà Hà cụ thể.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng lưu ý: "Muốn hội nhập thành công thì phải hiểu kỹ các định chế quốc tế đang ngày càng phức tạp. Sự chuẩn bị sẵn sàng, hiểu biết kỹ lưỡng việc cần làm gì để thích ứng khi tham gia hội nhập là rất quan trọng".

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, 2 đối tượng cần đặc biệt quan tâm tham dự các hội nghị tập huấn về hội nhập quốc tế gồm: các cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng chính sách và các doanh nghiệp.

Đây là hội nghị đầu tiên trong chuỗi 9 hội nghị tập huấn về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực TT&TT được TT&TT dự kiến triển khai từ nay đến cuối năm 2016 nhằm thực hiện Quyết định số 1107 ngày 28/6/2016. Dự kiến 9 hội nghị sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Cần Thơ, TP.HCM.

Theo http://khoahocphattrien.vn