Thứ hai, ngày 14/10/2024

Giới thiệu và hướng dẫn tham gia Chương trình phát triển TSTT tại Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN

admin, ngày: 21/09/2016

Ngày 14/9/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Giới thiệu và hướng dẫn tham gia Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.

Giới thiệu và hướng dẫn tham gia Chương trình phát triển TSTT tại Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN , Trung tâm thông tin - Tư liệu

Hội thảo có sự tham dự của ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Phan Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cùng hơn 80 đại biểu đến từ các phòng, trung tâm của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), các viện, trung tâm của Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình) giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016. Trên cơ sở duy trì và phát huy những kết quả của giai đoạn 2011-2015, Chương trình đã xác định một số mục tiêu, nội dung mới phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới cũng như đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học, doanh nghiệp, cộng đồng về xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Hội thảo khoa học “Giới thiệu và hướng dẫn tham gia Chương trình phát triển tài sản trí tuệ” sẽ là diễn đàn mở nhằm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam tham gia Chương trình một cách thuận lợi, hiệu quả.

Tại hội thảo, đại diện Văn phòng Chương trình đã trình bày tổng quan về Chương trình qua một số kết quả tiêu biểu của giai đoạn 2011-2015, giới thiệu Chương trình giai đoạn 2016-2020: Mục tiêu, dự thảo Thông tư quy định về quản lý Chương trình; các tiêu chí xác định, tuyển chọn dự án, phương hướng triển khai Chương trình trong giai đoạn tới và định hướng đặt hàng của Cục SHTT đối với một số nhiệm vụ thực hiện từ năm 2017, đặc biệt là Nhóm dự án về bảo hộ, khai thác, áp dụng sáng chế và Nhóm dự án về tổ chức mô hình SHTT, quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp KH&CN.

Giới thiệu tổng quan về Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ

Hội thảo đã thảo luận, cho ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định về quản lý Chương trình giai đoạn 2016-2020 và đặt hàng nhiệm vụ, đề xuất dự án tham gia Chương trình. Ông Phan Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho biết, nhận thức được vai trò quan trọng của công tác sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu KHCN, trong những năm gần đây, số đơn đăng ký bảo hộ và số văn bằng bảo hộ được cấp cho các kết quả nghiên cứu của Viện tăng đáng kể. Tuy nhiên, số kết quả nghiên cứu KHCN của Viện được ứng dụng, thương mại hóa vẫn còn hạn chế, nhu cầu hỗ trợ khai thác, áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích có giá trị thiết thực và có khả năng ứng dụng rộng rãi là rất lớn.  

      Nhiều đề xuất dự án tham gia Chương trình đã được đại biểu đến từ Viện Hàn lâm KHCN trình bày ngay tại Hội thảo, trong đó có Đề xuất dự án “Hoàn thiện công nghệ thu nhận (sản xuất) kháng thể đơn chuỗi có khả năng gắn kết làm bất hoạt tế bào ung thư”, Đề xuất dự án “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất thuốc điều trị ung thư phổi và ung thư đường tiêu hóa từ nguồn dược liệu Việt Nam theo bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1074 cấp ngày 27/6/2013” hay Đề xuất dự án “Áp dụng giải pháp hữu ích quy trình sản xuất sản phẩm giàu axit béo omega 3 để tạo thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung EPA, DHA chất lượng cao theo bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 935 cấp ngày 20/12/2011.”

        Tại hội thảo, các chuyên gia về sở hữu trí tuệ cũng khẳng định thông qua Chương trình, việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN dưới sự hỗ trợ từ nhà nước, tạo thành mô hình liên kết 3 chiều nhà khoa học- nhà nước- doanh nghiệp sẽ thúc đẩy áp dụng thành công các sáng chế, giải pháp hữu ích của các nhà khoa học, viện nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, phục vụ hiệu quả nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế- xã hội của đất nước.

Nguồn http://www.noip.gov.vn