Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Hội thảo hỗ trợ công tác đăng ký sở hữu trí tuệ

Đào Hữu Hảo, ngày: 23/05/2016

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày Khoa học & Công nghệViệt Nam 18-5 và kỷ niệm 41 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) 20-5, sáng ngày 19/05/2016, Trung tâm Thông tin - Tư liệu phối hợp với Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ công tác đăng ký Sở hữu trí tuệ”.

Hội thảo hỗ trợ công tác đăng ký sở hữu trí tuệ , Trung tâm thông tin - Tư liệu

Tham dự hội thảo có: PGS.TS. Nguyễn Hồng Quang - Giám Đốc Trung Tâm Thông tin - Tư liệu chủ trì hội thảo; PGS.TS. Phan Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn Lâm KHCNVN; PGS.TS. Nguyễn Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên; ThS. Nguyễn Tuấn Hưng - Thẩm định viên sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ; cùng các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học quan tâm đến hoạt động trong lĩnh vực thông tin sở hữu trí tuệ.

Nguyen Hong Quang.JPG

PGS.TS Nguyễn Hồng Quang chủ trì hội thảo

Mục đích của Hội thảo là thảo luận các vấn đề liên quan đến thông tin sở hữu trí tuệ và các quy trình, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ. Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong Viện Hàn lâm KHCNVN gặp gỡ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đăng ký sở hữu trí tuệ, nhằm hỗ trợ các cán bộ nghiên cứu của Viện đăng ký thành công các kết quả nghiên cứu của mình, thúc đẩy hoạt động quan trọng này trong toàn Viện Hàn lâm KHCNVN nhằm tăng cường số lượng SHTT được đăng ký bảo hộvà đẩy mạnh khai thác quyền SHTT.

Hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận đề cập đến các vấn đề liên quan đến thông tin sở hữu trí tuệ.

Phan tien dung1.JPG

PGS.TS. Phan Tiến Dũng trình bày báo cáo

Báo cáo tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Phan Tiến Dũng đã đề cập đến hoạt động đăng ký SHTT tại Viện Hàn lâm KHCN VN đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế trong hoạt động SHTT. Cụ thể: với số lượng kinh phí và số lượng các đề tài đã thực hiện trong các năm qua thì 99 bằng sáng chế (SC), giải pháp hữu ích (GPHI) được cấp trong toàn Viện Hàn lâm là một tỉ lệ thấp, cho thấy, có nguy cơ cao bị mất quyền sở hữu trí tuệ hoặc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công tác sở hữu trí tuệ nói chung và thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói riêng hiện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Trong trường hợp không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, rất khó thực hiện chuyển giao công nghệ trên diện rộng và thu được lợi nhuận từ việc li xăng công nghệ. Kiến nghị các giải pháp, PGS.TS Phan Tiến Dũng nêu rõ: Cần Tăng cường công tác Sở hữu trí tuệ  bao gồm: Nâng cao nhận thức, đào tạo và huấn luyện kỹ năng cần thiết về quyền sở hữu trí tuệ và cách thức tiến hành xác lập quyền SHTT cho đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý;

Cần có chính sách tăng cường, hỗ trợ, tư vấn cho  hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích các đơn vị thực hiện đăng ký, bảo hộ quyền SHTT để quảng bá, triển khai tốt các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện; Tiến hành xây dựng quy định SHTT thống nhất trong toàn Viện liên quan đến quyền SHTT của các đề tài nghiên cứu Khoa học và công nghệ; Khai thác kho tư liệu sáng chế của Việt Nam và quốc tế để có thể kiểm tra trước khả năng bảo hộ của các kết quả nghiên cứu, tiến hành tra cứu tình trạng kỹ thuật của các giải pháp công nghệ tương tự đã được công bố trong các nguồn thông tin sáng chế của Việt nam và quốc tế; Tiến hành đăng ký quốc tế các sáng chế quan trọng của Viện để đảm bảokhả năng bảo hộ rộng rãi tại một số quốc gia, và trên toàn thế giới.

Trình bày báo cáo tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Quang, nhấn mạnh Trung tâm Thông tin -Tư liệu, với tư cách là tổ chức đầu mối thông tin KHCN của Viện Hàn lâm KHCNVN, cần phải tăng cường hoạt động đầu mối thông tin SHTT trong toàn Viện. Nhằm khắc phục những tồn tại của hoạt động SHTT trong Trung tâm Thông tin – Tư liệu và Viện Hàn lâm KHCNVN trong một thời gian dài những năm qua, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quang đã đề nghị Hội thảo thảo luận những biện pháp cụ thể, trong đó tập trung vào việc đổi mới Phòng Thông tin Sở hữu công nghiệp để hoạt động như một Văn phòng SHTT của Viện Hàn lâm KHCNVN. Văn phòng SHTT sẽ là nơi tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ các cán bộ và các đơn vị trong công tác đăng ký  và bảo hộ SHTT, là cầu nối giữa Viện Hàn lâm KHCNVN và Cục Sở Hữu Trí tuệ. Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ: Lập và gửi hồ sơ đăng ký; Theo dõi và xử lý hồ sơ trong quá trình đăng ký; Phối hợp với các Ban chức năng và các đơn vị trong quản lý và khai thác quyền SHTT; Phối hợp hoạt động giữa Trung tâm TTTL và Cục SHTT.

Tiếp theo, Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Thông tin Sở Hữu Công Nghiệp đã giới thiệu về tiềm năng cung cấp thông tin, khả năng hỗ trợ trong công tác đăng ký SHTT, giới thiệu cụ thể quy trình và thủ tục đăng ký SHTT. 

Nguyan Manh Cuog.JPG

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Cường

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên – đơn vị có số SC và GPHI từ trước đến nay nhiều nhất trong Viện Hàn lâm KHCNVN đã trình bày báo cáo điển hình về kinh nghiệm đăng ký SC, GPHI và khai thác bảo hộ SHTT để sản xuất thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm khác. PGS.TS. Nguyễn Mạnh Cường đã nhấn mạnh đến một số vấn đề quan trọng  như chuẩn bị kỹ tài liệu để đăng ký Sáng chế, GPHI bao gồm: Tìm hiểu các bằng sáng chế về vấn đề có liên quan được công bố trên thế giới, Xác định tiêu đề của sáng chế, Xác định rõ các điểm cần bảo hộ, Nội dung công bố trong sáng chế và trong các báo cáo khoa học (phù hợp, thêm, bớt...);.

TS.  Bùi Hùng Thắng, Viện Khoa học vật liệu, cũng là một trong những tác giả đã đăng ký thành công nhiều Sáng chế, GPHI đã chia sẻ với cho Hội thảo những kinh nghiệm, bài học làm thế nào để đăng ký thành công các Phát minh, sáng chế, GPHI như: Đăng ký Sở hữu trí tuệ trước khi đăng bài trên tạp chí khoa học; Thăm dò kỹ vấn đề dự kiến đăng ký sáng chế trước khi nộp đơn; tiến hành công bố sớm đơn đăng ký SHTT; Phí duy trì bảo hộ SHTT, vấn đề cân nhắc giữa thời gian và kinh phí duy trì bảo hộ SHTT...

Kết thúc phần báo cáo tham luận, ThS Nguyễn Tuấn Hưng đến từ Cục Sở Hữu Trí tuệ đã Giới thiệu rất chi tiết về quy trình đăng ký SHTT, các yêu cầu đặc biệt, những điểm cần lưu ý trong khi làm hồ sơ đăng ký SHTT và đưa ra những ví dụ minh hoạ cụ thể về các lỗi có thể gặp phải trong một bộ hồ sơ đăng ký SHTT.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã phát biểu trao đổi rất sôi nổi, đặt ra nhiều câu hỏi cho các báo cáo viên cũng như bày tỏ những băn khoăn của các cán bộ nghiên cứu khi muốn đăng ký SHTT. Đáng chú ý là ý kiến của PGS.TS Phan Tiến Dũng nêu rõ "Không phải mỗi Viện (trực thuộc Viện Hàn lâm KHCN VN) đều có một văn phòng mà nên tập trung xây dựng một văn phòng thống nhất. Ý kiến của PGS.TSKH Nguyễn Ngọc Châu cho rằng Viện Hàn lâm KHCN VN ngoài việc công bố bài báo trên các tạp chí thì cần phải đăng ký các bằng SC hoặc GPHI vì vậy Viện Hàn lâm KHCN cần có 1 bộ phận để hỗ trợ cho các chủ nhiệm đề tài đăng ký SC, GPHI nhanh và hiệu quả. Đa số ý kiến đóng góp trên Hội thảo đều thống nhất và ủng hộ việc tăng cường hoạt động của bộ phận Văn phòng SHTT hỗ trợ cho các nhà khoa học và các đơn vị trong việc đăng ký thành công các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và bảo hộ quyền SHTT.

GS. TS Nguyen Ngoc Chau.JPG

PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu phát biểu tại hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quang đã phát biểu bày tỏ sự cảm kích đối với sự quan tâm và trao đổi nhiệt tình của các đại biểu và thống nhất kiến nghị thúc đẩy hoạt động SHTT phổ biến trong toàn Viện Hàn lâm KHCNVN. PGS.TS. Nguyễn Hồng Quang cũng cam kết Văn phòng SHTT của Trung tâm Thông tin – Tư liệu sẽ hỗ trợ tối đa, phục vụ các cán bộ nghiên cứu và các đơn vị trong việc đăng  ký thành công SHTT và rất mong muốn các đơn vị và cá nhân hợp tác với Trung tâm Thông tin – Tư liệu trong vấn đề này.

Độc giả quan tâm có thể tải tài liệu liên quan đến hội thảo tại đây

Bài và ảnh: Nam Phương - Hữu Hảo