Thứ ba, ngày 23/04/2024

Phó giáo sư trẻ nhất Viện Hàn lâm năm 2015: Kiên nhẫn, vượt khó và say mê sẽ dẫn đến thành công

Trần Thị Kiều Anh, ngày: 08/12/2015

Ở tuổi 39, PGS.TS Trần Thế Bách, Trưởng phòng Thực vật-Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật là nhà khoa học trẻ nhất vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS của Viện Hàn lâm KHCNVN năm 2015. Nhân dịp này phóng viên Bản tin KHCN đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông về những thành công và dự định của ông trong tương lai.

Phó giáo sư trẻ nhất Viện Hàn lâm năm 2015: Kiên nhẫn, vượt khó và say mê sẽ dẫn đến thành công , Trung tâm thông tin - Tư liệu

PV: Là một trong những người trẻ nhất Viện Hàn lâm được công nhận chức danh PGS, ông có thể chia sẻ đôi chút cảm xúc của mình?

PGS.TS Trần Thế Bách:Tôi cảm thấy rất vinh dự vì những nỗ lực phấn đấu của mình đã được công nhận, nhưng bên cạnh đó cũng thấy trách nhiệm của mình trong nghiên cứu khoa học và đào tạo càng lớn hơn.Niềm vinh dự này sẽ là nguồn động viên lớn cho tôi trên con đường nghiên cứu khoa học.

PV: Thưa PGS, ông có thể cho biết cơ duyên nào đưa ông đến đam mê nghiên cứu khoa học?

PGS.TS. Trần Thế Bách: Định hướng nghiên cứu từ bố là GS TSKH Trần Đình Lý; sự động viên, đào tạo trong nghiên cứu của các Thầy giáo Khoa Sinh học – Đại học Quốc gia Hà Nội như TS. Trần Đình Nghĩa, GS TSKH. Nguyễn Nghĩa Thìn, GS. Nguyễn Bá; của các nhà khoa học Phòng Thực vật, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật như cố GS TSKH. Nguyễn Tiến Bân, PGS TS. Vũ Xuân Phương, PGS TS. Nguyễn Khắc Khôi. Đặc biệt là sự thông cảm và ủng hộ từ gia đình để tôi có nhiều thời gian cho nghiên cứu.

Chuyên ngành mà tôi đang theo đuổi là nghiên cứu để phát triển phân loại thực vật ở Việt Nam. Trong phân loại thực vật, việc kết hợp một cách hợp lý giữa phương pháp hình thái so sánh truyền thống và các phương pháp hiện đại như sinh học phân tử, ứng dụng các chương trình máy tính,… đã giúp tôi có được  một số kết quả có ý nghĩa, đem lại niềm vui và niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học.

PV: Nghiên cứu cơ bản rất quan trọng nhưng không hề dễ dàng, nhất là đối với các nhà khoa học trẻ. Theo ông, muốn thành công trong nghiên cứu cơ bản, nhà khoa học cần phải có tố chất gì?

PGS.TS.Trần Thế Bách: Kiên nhẫn, vượt khó và say mê. Khi mới vào nghiên cứu, sự kiên nhẫn và vượt khó sẽ giúp khám phá ra những điều thú vị, những kết quả tốt trong khoa học, từ đó sẽ giúp chúng ta say mê nghiên cứu. Và tiếp tục sang các kết quả nghiên cứu khác, sự kiên nhẫn và vượt khó sẽ lại giúp khám phá ra những điều thú vị, những kết quả tốt khác, làm chúng ta say mê hơn nữa trên con đường chúng ta đã chọn.Và cứ như thế, khi tiến hành nghiên cứu, chúng ta có niềm tin rằng: Kiên nhẫn, vượt khó và say mê sẽ dẫn đến thành công.

Bên cạnh sự tự lập của bản thân, những đóng góp của tập thể cũng đã giúp tôi khắc phục những thiếu sót và phát triển những kết quả nghiên cứu. Đặc biệt là các dự án có sự đóng góp lớn của tập thể nghiên cứu khoa học,trong đó có phòng Thực vật, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

PGS.TS Trần Thế Bách

PV: Được  biết cho đến nay ông đã có khá nhiều kết quả nghiên cứu, vậy công trình nghiên cứu nào được ông tâm đắc nhất?

PGS.TS. Trần Thế Bách: Công trình nghiên cứu tâm đắc nhất của tôi là nghiên cứu phân loại họ Thiên lý (Asclepiadaceae), được công bố trong 6 bài báo thuộc danh mục ISI(SCL,SCI-E)như Ann.Bot.Fennici.(SCI), Phytotaxa(SCI-E),BLUMEA(SCI-E),NOVON(SCI-E) và đoạt Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật Thanh niên lần thứ 13 của Việt Nam năm 2003.

Bên cạnh những kết quả khoa học đạt được, những phương pháp trong nghiên cứu phân loại họ Thiên lý ở Việt Nam sẽ giúp tôi tiếp cận các hướng nghiên cứu hiện đại trên thế giới, để từng bước phát triển phân loại học ở Việt Nam hướng tới hệ thống học tiến hóa.

Đặc biệt, ứng dụng các kết quả về phân loại học và dự án “Tiềm năng sinh học của nguyên liệu sinh học ở Việt Nam” sẽ là nguồn thông tin rất có giá trị cho các lĩnh vực khoa học khác nhau như dược học, lâm học.

PV: Theo ông, nhà nước cần có chính sách gì nhằm khuyến khích, phát huy năng lực của các nhà khoa học trẻ?

PGS.TS.Trần Thế Bách:  Bên cạnh sự động viên về mặt tinh thần, việc trao các đề tài, dự án cho các nhà khoa học trẻ sẽ giúp họ phát huy năng lực của mình.

Tạo cầu nối để các nhà khoa học trẻ Việt Nam kết nối được với các nhà khoa học quốc tế. Và thực tế trong các năm gần đây, nhà nước đã làm được các điều đó rất tốt. Viện Hàn lâm trong những năm gần đây cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ như Chương trình Hỗ trợ cán bộ khoa học trẻ của Viện Hàn lâm, bao gồm hỗ trợ các đề tài KHCN độc lập cấp Viện Hàn lâm, hỗ trợ hoạt động KHCN cấp cơ sở cho các cán bộ trẻ. Những chính sách này đã thực sự khích lệ cán bộ trẻ dấn thân vào khoa học. 

PV: Sau những thành công ban đầu, được ghi nhận đạt chức danh PGS, ông có dự định gì cho tương lai?

PGS.TS.Trần Thế Bách:  Trong thời gian tới tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc của mình là nghiên cứu phân loại các họ Thực vật khác ở Việt Nam. Ứng dụng các phương pháp hiện đại trong nghiên cứu để phát triển phân loại thực vật ở Việt Nam theo kịp sự phát triển của thế giới. Kết hợp với các lĩnh vực khác như dược học, hóa học, công nghệ sinh học để nghiên cứu ứng dụng thực vật.

 PV: Từ những kinh nghiệm của mình, ông có chia sẻ gì đối với các bạn sinh viên và nghiên cứu sinh trẻ?

PGS.TS.Trần Thế Bách: Dù đi trên con đường nào, cần kiên nhẫn, vượt khó và say mê. Cố gắng thực hiện được những điều đó, thành công sẽ đến.

PV: Xin cảm ơn và chúc ông đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu của mình!

         

Một số thành tích ấn tượng của PGS.TS Trần Thế Bách:

 - Giải nhất Hội nghị Khoa học Thanh niên lần thứ nhất Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, 2001.

-  Giải thưởng khoa học thanh niên, 2003 (Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia & Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

- Huy chương tuổi trẻ sáng tạo, 2003 (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

-  Bằng chứng nhận đồng tác giả cụm công trình KH & CN được giải thưởng Hồ Chí Minh  2012.

- 7 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

- Chủ nhiệm 2 dự án NAFOSTED và dự án hợp tác Quốc tế với Hàn Quốc (2009-2015)

- Đã công bố 102 công trình khoa học (tính đến ngày 9/11/2015), trong đó có 34 bài báo quốc tế. Các bài báo quốc tế nằm trong danh mục ISI: 21 bài báo (SCI: 11 bài báo, SCI-E: 10 bài báo)Các bài báo quốc tế  khác: 10 bài báo (4 bài báo trong Scopus)Hội thảo quốc tế: 3 bài báo.

- Là đồng tác giả của 2 Patent (WO2012/177081, WO2013/002522), tham gia viết 3 sách công bố ở nước ngoài.

 

Nam Phương (thực hiện)