Thứ năm, ngày 25/04/2024

Thành công của nhóm nghiên cứu: “Sức mạnh của sự gắn kết và chia sẻ”

Trần Thị Kiều Anh, ngày: 11/12/2015

Trong môi trường nghiên cứu khoa học, việc hình thành các nhóm chuyên môn quy tụ các nhà khoa học trong cùng một lĩnh vực đã phát huy năng lực cá nhân, thúc đẩy tinh thần hợp tác, đồng thời tận dụng được các nguồn lực chung. Hoạt động nhóm chuyên môn sẽ củng cố các hướng nghiên cứu truyền thống, ươm mầm những hướng nghiên cứu mới, tạo nên một cộng đồng khoa học gắn kết và chia sẻ. Để hiểu rõ hơn về hoạt động nhóm, chúng tôi có cuộc phỏng vấn GS.TS Hoàng Ngọc Long, Trưởng nhóm Nghiên cứu lý thuyết trường và hạt cơ bản, một nhóm của Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý đã đạt được nhiều thành quả nghiên cứu trong thời gian qua.

Thành công của nhóm nghiên cứu: “Sức mạnh của sự gắn kết và chia sẻ” , Trung tâm thông tin - Tư liệu

 PV: Xin GS cho biết đôi nét về quá trình hình thành và các kết quả chính của nhóm trong thời gian gần đây?

GS.TS. Hoàng Ngọc Long: Nhóm bắt nghiên cứu lý thuyết hạt cơ bản bắt đầu hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước. Chúng tôi có may mắn được làm việc từ những ngày đầu tiên với GS. Đào Vọng Đức và GS. Nguyễn Văn Hiệu. Sau nhiều đóng góp của nhiều thế hệ học trò tâm huyết, bây giờ nhóm cộng tác với hầu như tất cả các nhóm nghiên cứu của các trường ĐH trong cả nước. Trong thời gian qua nhóm đã tập trung nghiên cứu các vấn đề lớn như sau: * Vật lý neutrino – khối lượng và trộn lẫn của chúng. Đặc biệt trong thời gian gần đây, các thí nghiệm cho thấy góc trộn khác không và khá lớn. Nhóm chúng tôi đã đưa ra các mô hình dựa trên nhóm đối xứng gián đoạn để cho các kết quả phù hợp với thực nghiệm (P. V. Đồng và Võ Văn Viên) * Vật chất tối (VCT): Thực tế cho thấy, vũ trụ chúng ta có khoảng ¼ là VCT. Các nhà thực nghiệm đang tích cực tìm kiếm VCT cả ở trong phòng thí nghiệm và ngoài không gian. Nhóm chúng tôi cũng có nhiều công trình theo hướng này. TS. P. V. Đồng đã có nhiều kết quả hay theo hướng này. * Sự bất đối xứng vật chất-phản vật chất (BAU) của vũ trụ mà thể hiện rõ rệt nhất là việc không quan sát thấy phản thế giới. Bất kỳ mô hình vật lý nào cũng cần cho câu trả lời này. Đây là những vấn đề của Vũ trụ sớm (Early Universe) và câu trả lời thường là các vấn đề chuyển pha, lạm phát vũ trụ. Tôi cùng với các cộng tác viên, NCS (Võ Quốc Phong) đã thu được các kết quả hay. Ngoài ra TS. D.T.Hương và P. V. Đồng cũng nghiên cứu về vấn đề lạm phát Vũ trụ để cho câu trả lời về BAU. Cũng nên nhắc đến cuốn sách: Cơ sở vật lý hạt cơ bản của tôi do NXB Viện KH &CN VN xuất bản. Cuốn sách này đã được nhiều sinh viên, NCS và là cuốn sách của nhiều cơ sở giảng dạy sử dụng. Trong cuốn sách này, những cơ sở quan trọng đã được tôi trình bày. Trong một lần thăm Việt Nam, GS. Takeo Inami (Nhật Bản) – người đã giúp rất nhiều các nhà khoa học Việt nam nói với tôi: Tôi rất ngạc nhiên về sự phát triển mau lẹ của lý thuyết hạt cơ bản Việt nam. Và đây (chỉ vào cuốn sách của tôi) – là nguyên nhân.

PV: Để đạt được các thành công trên cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên nhóm. Xin GS có thể cho biết về mô hình hoạt động của nhóm?

GS.TS. Hoàng Ngọc Long: Nói là mô hình thì không đúng lắm. Nhưng mà chúng tôi làm việc theo cách sau đây: các Tiến sỹ mạnh – theo nghĩa là đã có thể tự đặt ra vấn đề khoa học có ý nghĩa và giải quyết được nó - sẽ hàng ngày theo dõi các công bố khoa học trên arXive để biết tình hình vật lý hiện đại và thấy các vấn đề cần nghiên cứu. Sau đó, họ sẽ trao đổi với các đồng nghiệp ở trong và ngoài nước để nghiên cứu. Các thành viên có quyền chọn các vấn đề mà mình thấy thích và phù hợp để cùng cộng tác với nhau.Tất nhiên, nhóm khuyến khích đưa các thành viên mới vào tham gia Một vấn đề nữa: các thành viên phải thường xuyên trao đổi với nhau – điều này có lợi cho cả hai bên: người nghe cũng như người giải thích. Nhóm thường xuyên có các buổi xemina của các thành viên mà ở đó mọi người tự do trao đổi. Điều này khác hẳn với các xemina chính thức.

Nhóm nghiên cứu lý thuyết trường và hạt cơ bản cùng GS.TS Hoàng Ngọc Long- Viện Vật lý.

PV: Với vai trò là người thầy, người trưởng nhóm, GS đã dẫn dắt nhiều thế hệ học trò. Xin GS chia sẻ kinh nghiệm đào tạo của mình?

GS.TS. Hoàng Ngọc Long: Trong cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của mình, tôi đã có những học trò tài năng tâm huyết như GS. Đặng Văn Soa, TS. Phùng Văn Đồng, TS.Đỗ Thị Hương, TS. Lê Đức Ninh…cũng là những thành viên quan trọng tạo nên thành công của nhóm. Thật là khiếm khuyết nếu tôi không nhắc đến ba học trò hiện tại: TS. Lê Thọ Huệ (Viện Vật lý), TS Võ Văn Viên ở Đại Học Tây Nguyên – người vừa đoạt giải thưởng nghiên cứu trẻ của Hội Vật lý lý thuyết Việt nam (P. V. Đồng và Đ. T. Hương là người thứ nhất và thứ hai đoạt giải) và NCS Võ Quốc Phong ở ĐH QG tp. HCM – những người đang tích cực nghiên cứu và cho ra đời nhiều công bố khoa học giá trị. Hàng năm tôi hướng dẫn rất nhiều NCS, học viên Cao học, SV, nếu một mình tôi mà làm công việc như vậy là không thể. Bí quyết của tôi là: người đi trước giúp người đi sau. Nghĩa là: hãy dạy cho những người ban đầu thật cẩn thận, sau đó các bạn này dạy lại cho các bạn sau. Khi giảng lại cho người khác cũng là một lần giúp mình khắc sâu thêm kiến thức.

PV: Tiếp nối những thành công đã đạt được, GS và các học trò của mình có mục tiêu và định hướng phát triển nhóm như thế nào cho thời gian sắp tới?

GS.TS. Hoàng Ngọc Long: Nhóm chúng tôi đã là một trong những nhóm hàng đầu trong việc đưa ra và nghiên cứu mô hình thống nhất tương tác có tên gọi là mô hình 3-3-1. Tuy nhiên tôi mong muốn trong tương lai, nhóm lý thuyết trường và hạt cơ bản sẽ là một nhóm mạnh trên bản đồ khoa học thế giới với các ý tưởng dẫn dắt. Cũng như trong thể thao: chúng ta cần sự bắc cầu: một GS với các bài báo quốc tế tốt sẽ đào tạo ra các nhà vật lý nổi tiếng hơn. Nhà khoa học sau sẽ đào tạo ra những nhà khoa học hàng đầu rồi cao hơn nữa. Tôi vẫn theo triết lý: hiền tài là nguyên khí quốc gia - học trò hơn thầy là một điều tốt lành của nước nhà.

Xin cảm ơn ông!

Một số thành tích của nhóm trong 10 năm gần đây.

 * Công bố 52 bài báo SCI và 7 bài SCIE.

* Đào tạo 11 Tiến Sỹ và 40 Thạc sỹ.

* Chủ trì thực hiện 6 đề tài Nafosted.

* 3 Thành viên đạt giải thưởng Nghiên cứu trẻ của Hội VLLT trong tổng số 6 giải thưởng từ trước đến nay.

* 6 lần đạt giải thưởng Nghiên cứu trẻ của Trung tâm VLLT trong tổng số 16 giải thưởng từ trước đến nay.

Nam Phương (Thực hiện)