Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Thư viện số và “Thủ thư số” ở Trung Quốc

admin, ngày: 08/05/2015

Cùng với sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của mạng lưới truyền thông và công nghệ thông tin, nhiều thư viện số đang có sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới hiện nay. Những thư viện số này sẽ trở thành trung tâm thu thập và sản sinh ra nhiều tài nguyên thông tin khác nhau, là cầu nối cho sự trao đổi giữa các chuyên gia, thủ thư và bạn đọc, là công cụ khám phá, tìm kiếm và truy xuất thông tin và là mô hình hiện đai nhằm cung cấp những dịch vụ thông tin chuyên biệt ở mức độ cao. Sự xuất hiện của thư viện số không chỉ tạo ra một cơ hội mới cho sự phát triển thư viện, mà còn đặt ra những yêu cầu cao hơn trong việc cải tổ những thư viện truyền thống, đặc biệt là phát triển một thủ thư theo “phong cách mới”.

Thư viện số và “Thủ thư số” ở Trung Quốc , Trung tâm thông tin - Tư liệu

Định nghĩa và đặc điểm thư viện số

Nhiều định nghĩa đã được công bố trong giới học giả toàn cầu về thư viện nhằm định nghĩa rõ ràng một thư viện số. Đây là một số định nghĩa tiêu biểu về thư viện số:

Một số thành viên Hiệp hội Thư Viện Số Hoa kỳ (Digital Library Federation) đã đưa ra một định nghĩa, “Thư viện số là các tổ chức cung cấp tài nguyên, gồm các nhân viên chuyên biệt giúp lựa chọn, tổ chức, cung cấp khả năng truy cập thông minh, chỉ dẫn, phân phối, bảo quản tính toàn vẹn và sự thống nhất của các bộ sưu tập số theo thời gian để đảm bảo làm sao chúng luôn sẵn có để truy xuất một cách dễ dàng và kinh tế nhất đối với một cộng đồng người dùng hoặc một nhóm cộng đồng người dùng” (Raitt, 1999).

Hai học giả người Nga là Sokolova và Liyabev cho rằng thư viện số là một hệ thống phân tán có khả năng lưu trữ và tận dụng hiệu quả các loại tài liệu điện tử khác nhau, mà giúp người dùng có thể truy cập và được chuyển giao thông tin dễ dàng qua mạng máy tính (Xiao, 2003).

Nhiều học giả Trung Quốc lại có cùng quan điểm rằng “Một thư viện số trên thực tế không phải là một thư viện ở góc độ mở rộng không gian của nó; thay vào đó nó là trung tâm tài nguyên thông tin số chứa đựng tài nguyên thông tin đa phương tiện. Một thư viện số tồn tại bằng việc số hóa thông tin, chẳng hạn như văn bản, ký tự, chữ viết, hình ảnh, video và âm thanh, đồng thời cung cấp cho người dùng các dịch vụ thông tin nhanh chóng và thuận tiện thông qua Internet, nhằm chuyển giao một hệ thống thông tin số mà trong đó việc chia sẻ nguồn tài nguyên luôn sẵn sàng” (Wang, 2003).

Mặc dù có sự khác nhau về lý giải trong nhiều định nghĩa, nhưng những đĩnh nghĩa này lại tương tự nhau về mặt bản chất cốt yếu. Vì vậy, từ những định nghĩa trên chúng ta có thể rút ra những đặc điểm khác biệt của thư viện số bao gồm:

o Khả năng lưu trữ khối lượng lớn tài nguyên thông tin khác nhau;
o Khả năng lưu trữ và chuyển giao tài nguyên thông tin bằng nhiều phương tiện khác nhau;
o Khả năng chuyển giao tài nguyên thông tin qua mạng;
o Khả năng quản lý tài nguyên thông tin phân tán;
o Khả năng chia sẻ thông tin ở cấp độ chuyên biệt cao;
o Có công nghệ tìm kiếm và truy xuất thông minh;
o Cung cấp dịch vụ thông tin không giới hạn thời gian và không gian.

Những thư viện số đang phát triển ở Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu việc nghiên cứu và thử nghiệm những thư viện số vào năm 1995. Chỉ sau một vài năm, chúng đã được sự phát triển nhanh chóng. Nhiều dự án đã được triển khai với sự tiến triển đáng chú ý, dưới đây là một vài dự án.

Dự Án Thư Viện Số Trung Quốc Thử nghiệm (CPDL- The Chinese Pilot Digital Library Project)

Dự Án Thư Viện Số Trung Quốc Thử nghiệm (CPDL) được phát triển bởi chín thư viện công cộng danh tiếng ở Trung Quốc, bao gồm Thư Viện Quốc Gia Trung Quốc (NLC), Thư Viện Thành Phố Thượng Hải, Thư viện Thẩm Quyến, ... Mục tiêu chính nhằm tạo ra một Dự Án Thư Viện Số Trung Quốc Thử nghiệm (CPDL) thống nhất và liên kết mà trong đó nhiều thư viện có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Dự Án CPDL được đưa vào thử nghiệm các kho tài nguyên thông tin được tiêu chuẩn hóa và phân tán thuộc nhiều dạng khác nhau chuyển giao một công nghệ ban đầu sẵn có và hỗ trợ thực hành cho việc xây dựng những thư viện số của Trung Quốc đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, các tổ chức tham gia đang tiến hành nghiên cứu và phát triển thích hợp và xây dựng một tiến trình tốt trong việc thực hiện tiêu chuẩn siêu dữ liệu, một trong những tiêu chuẩn quan trọng của công nghệ thư viện số (Zhang, 2003).

Mạng Tri Thức – Dự Án Hệ Thống Thư Viện Số (Knowlegde Network – Digital Library System Project)

Dự án phối hợp giữa Thư Viện Quốc Gia Trung Quốc (NLC) và Beijing Dawning Information Technologies Corporation đã tập trung vào việc thiết kế và phát triển kiến trúc thư viện số Cấp I. Hệ thống sẽ được xây dựng trong môi trường Internet, chứa đựng nhiều kho tài nguyên số phân tán. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong hệ thống phục vụ việc tìm kiếm nhanh chóng trên nhiều kho tài nguyên cùng một lúc (Xiao et al., 2002).

Hệ Thống Thông Tin Thư Viện các trường Đại học Trung Quốc (CALIS- China Academic Libraries Information System)

Được phối hợp từ Trung Tâm Quản Lý tại trường Đại Học Bắc Kinh, dự án bao gồm bốn trung tâm chuyên ngành và bảy trung tâm văn học địa phương trên khắp Trung Quốc. Người ta dự định tích hợp các tài nguyên thư viện của tất cả các trường đại học ở Trung Quốc bằng cách cung cấp truy cập chia sẻ đến cả các tài nguyên thông tin lẫn hệ quản trị môi trường chia sẻ, và theo cách đó để chuyển giao dịch vụ cung cấp tài nguyên học thuật đa dạng và phong phú. Tiến trình thực hiện của dự án bao gồm phát triển những tiêu chuẩn và chi tiết kỹ thuật liên quan đến việc xây dựng thư viện số và lựa chọn hoặc phát triển những công nghệ tích hợp để hỗ trợ các thư viện thành viên, nhằm tạo nên một hệ thống thư viện số đa lớp (multi-layer digital library) (Xiao et al., 2002).

Dự Án Thư Viện Số Quốc Gia Trung Quốc (China National Digital Library Project)

Như là một hệ thống tài nguyên số quốc gia được hỗ trợ bởi những công nghệ mới hiện đại và tiên tiến nhất, Dự Án Thư Viện Số Quốc Gia Trung Quốc (CNDL) được xây dựng để tạo nên một tập hợp thư viện tài nguyên số Trung Quốc chất lượng, quy mô trên mạng Internet nhằm cung cấp những dịch vụ hiệu quả cho Trung Quốc và thế giới thông qua mạng trao đổi thông tin quốc gia (national communication backbone). Dự án bao gồm việc xây dựng tài nguyên số, cùng phần cứng và phần mềm cho hạ tầng cơ sở hệ thống thư viện số, phát triển hệ thống ứng dụng, phát triển các tiêu chuẩn, chi tiết kỹ thuật, những quy tắc, và thiết lập hệ thống dịch vụ và xử lý nhằm làm tăng hiệu lực của Quyền Sở Hữu Trí Tuệ, cũng như là tạo dựng năng lực cho hệ thống (Zhang, 2003).

Dự Án Thư Viện Số Kiến Trúc Đại Học Thanh Hoa (Tsinghua University Architecture Digital Library)

Dự Án Thư Viện Số Kiến Trúc Đại Học Thanh Hoa (THADL) là sự hợp tác giữa trường đại học Thanh Hoa và “Yingzaoxueshe”, một viện nghiên cứu của người Trung Quốc mà tập trung vào công trình kiến trúc cổ và cuộc đời của ông Liang Sicheng, một kiến trúc sư nổi tiếng. Bộ sưu tập trung tâm sẽ là hình vẻ của 2.783 tòa nhà cổ và những hình ảnh về kiến trúc cổ. Về mặt kỹ thuật, một kiến trúc dịch vụ hệ thống nhiều lớp được xây dựng bằng sử dụng những công nghệ đối tượng phân tán và tương tác thông minh, ngoài là một hệ thống định hướng đối tượng ra, hệ thống còn là một cơ sở dữ liệu đa phương tiện phân tán. Đối với siêu dữ liệu mô tả, hệ thống sử dụng lược đồ mô tả siêu dữ liệu Dublin Core mở rộng (Xiao et al.,2002).

Trung Tâm Thông Tin Khoa Học và Công Nghệ Quốc Phòng Trung Quốc (China Defense Science and Technology Information Center)

Ngày nay, nhiều thư viện Trung Quốc đang phát triển những kho dữ liệu số đầu tiên. Cho dù những nỗ lực nhất định trong lĩnh vực này cũng đã được tiến hành tại thư viện của Trung Tâm Thông Tin Khoa Học và Công Nghệ Quốc Phòng Trung Quốc (CDSTIC) – đáng chú ý nhất là, những bộ sưu tập quý giá bao gồm những tạp chí, bản ghi âm hội nghị, và sách đã được số hóa; nhiều nguồn tài nguyên thông tin số đa dạng đã được tích hợp với nhau; và một hệ thống dịch vụ thông tin tích hợp trên nền tảng Web đã được tạo lập; nhìn chung CDSTIC vẫn còn ở những bước khởi đầu trong việc phát triển một thư viện số.

Như chúng ta nhận thấy, ngoài sách và tạp chí ra, một thư viện cần bao gồm con người, thông tin, tài chính, công nghệ và nhiều tài nguyên khác. Vì tài nguyên con người (human resource) là một động lực tích cực nhất, nó đóng vai trò là một tài nguyên có ảnh hưởng lớn trong việc kiểm soát và sử dụng các tài nguyên khác. Thiếu tài nguyên con người; thì không tài nguyên nào hữu dụng cả. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ có tính sứ mệnh khi dịch chuyển một thư viện có tính di sản trước kia vào một thư viện số đó là nhằm chuyển đổi thành công tài nguyên con người của một thư viện (các thủ thư) trở thành các “thủ thư số” để đáp ứng đòi hỏi của quá trình dịch chuyển này.

Đặc điểm về phương cách làm việc của “thủ thư số”

Nội dung công việc của những “thủ thư số”
Trong kỷ nguyên thông tin, vai trò của thủ thư thay đổi nhanh chóng. Họ sẽ phát triển tiến tới để trở thành những tổ chức và chuyên gia thông tin trong xã hội. Vì vậy, so với thủ thư truyền thống, nội dung công việc của họ rất khác biệt.

Công việc mà các thủ thư số chủ yếu như sau:

o Lựa chọn, bổ sung, bảo quản, tổ chức và quản lý các bộ sưu tập số;
o Thiết kế kết cấu kỹ thuật cho thư viện số;
o Mô tả nội dung và thuộc tính của đầu mục hoặc đối tượng (siêu dữ liệu);
o Lập kế hoạch, thực hiện và hỗ trợ các dịch vụ số như định hướng thông tin, tư vấn và chuyển giao;
o Tạo lập giao diện thân thiện người dùng trên toàn bộ hệ thống mạng;
o Xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn liên quan đến thư viện số;
o Thiết kế, duy trì và chuyển giao các sản phẩm thông tin với giá trị gia tăng;
o Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin số trong môi trường mạng; và
o Đảm bảo an ninh thông tin.

Cách thức phục vụ của “thủ thư số”

Cho dù thư viện có phát triển theo hướng nào, thì mục tiêu của nó là đáp ứng nhu cầu thông tin và mong muốn hiểu biết của nhân loại sẽ không bao giờ thay đổi. Trong những thư viện số, các thủ thư số sẽ cung cấp cho bạn đọc những dịch vụ đa dạng, tiên tiến, năng động và linh hoạt theo cách thức đầy sáng tạo, bao gồm:
o Phân tích và xử lí nhiều loại tài nguyên thông tin khác nhau;
o Thúc đẩy và tổ chức các giá trị tiềm ẩn trong mọi thông tin;
o Cung cấp những sản phẩm và dịch vụ thông tin có giá trị gia tăng cao đúng lúc và đúng đối tượng; và
o Chuyển giao thông tin đúng đến người dùng và cung cấp các dịch vụ chuyên biệt và định hướng người dùng.

(còn tiếp...)