Thứ tư, ngày 24/04/2024

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

admin, ngày: 14/05/2013

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN).

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp , Trung tâm thông tin - Tư liệu

Nghị định này áp dụng cho: (1) Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước về SHCN hoặc cạnh tranh không lành mạnh về SHCN xảy ra tại Việt Nam, (2) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình xử lý VPHC trong lĩnh vực SHCN.

Nghị định gồm 05 chương, 39 điều quy định cụ thể về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm quy định về hoạt động SHCN; quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền SHCN; về đại diện SHCN; về giám định SHCN; về thanh tra, kiểm tra SHCN; xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng hóa giả nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; …

Mỗi hành vi VPHC chỉ bị áp dụng một hình thức xử phát chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức xử phạt thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 500 triệu đồng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung. Ví dụ:

- Sửa chữa, tẩy xóa văn bằng bảo hộ hoặc tài liệu chứng minh quyền SHCN bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng;

- Chỉ dẫn sai về đối tượng, chủ thể quyền SHCN, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp bị phạt từ 3-5 triệu đồng;

- Phạt từ 2-5 triệu đồng vi phạm về trình tự, thủ tục, thời hạn giám định;

- Xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí bị phạt từ 400-500 triệu đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm trên 400 triệu đồng.

- Phạt tiền gấp 1,2 lần mức tiền phạt quy định nhưng không vượt quá 500 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm: gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói, nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, …

Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ KH&CN và Sở KH&CN có quyền phạt cảnh cáo; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC có giá trị đến 2 triệu đồng. Chánh Thanh tra Bộ KH&CN có quyền phạt tiền đến 500 triệu đồng; Chánh Thanh tra Sở KH&CN có quyền phạt đến 30 triệu đồng.

Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông có quyền phạt cảnh cáo; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC có giá trị đến 2 triệu đồng. Chánh Thanh tra Bộ TT&TT có quyền phạt đến 70 triệu đồng; Chánh Thanh tra Sở TT&TT có quyền phạt đến 30 triệu đồng.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường có quyền phạt đến 70 triệu đồng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT có quyền phạt đến 20 triệu đồng.

Cục trưởng thuộc Tổng cục Hải quan có quyền phạt đến 70 triệu đồng, Đội trưởng kiểm soát thuộc Cục Hải quan có quyền phạt đến 20 triệu đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh có quyền phạt đến 500 triệu đồng, Chủ tịch UBND huyện có quyền phạt đến 30 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 09 tháng 11 năm 2010 và thay thế nghị định số 116/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

Nguồn: Sở KH&CN tỉnh An Giang

Xử lý tin: Lệ Chi